Cart

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên rộn ràng đón Tết

Chưa năm nào, người trồng cà-phê ở Tây Nguyên lại vui mừng và chuẩn bị đón Tết rộn ràng như năm nay, bởi hiện nay giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Trong những ngày giáp Tết này, về các vùng trọng điểm cà phê ở Đác Lắc như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Búc, Ea H’leo… ở đâu chúng tôi cũng chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết rộn ràng, phấn khởi của người dân địa phương.

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017 này, theo dõi giá cà phê trên thị trường, thấy giá thu mua cà phê của các đại lý tại Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên luôn đạt mức từ 45.000 đến 46.000 đồng/kg cà phê nhân xô, ông Nguyễn Bá Phước, 80 tuổi, ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc hết sức vui mừng.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà-phê của gia đình rộng 15 ha nằm trên địa bàn xã Ea Kpam, nâng niu từng cành cà phê vừa thu hoạch xong, ông Phước tâm sự: “Gia đình tôi là một trong những hộ trồng cà phê sớm nhất ở vùng này và nhờ gắn bó với cây cà phê nên cuộc sống mới được khấm khá như ngày hôm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá cà phê trên thị trường biến động mạnh, bất lợi cho người trồng cà phê, có năm giá cà phê rớt xuống đáy khiến người trồng cà phê bị lỗ nặng, chao đảo, đồng thời do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, nhất là trong mùa khô năm 2016 khiến hàng nghìn ha cà phê thiếu nước tưới trầm trọng làm giảm năng suất, buộc nhiều người phải chặt bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng các loại cây khác. Riêng gia đình tôi đã gắn bó với cây cà phê lâu rồi và cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng cây cà phê nên không thể chuyển đổi ngay và hết được mà tôi trồng xen cây tiêu, cây ăn trái vào vườn cà phê. Nhờ được đầu tư chăm sóc chu đáo nên trong vụ thu hoạch này, gia đình tôi thu được 50 tấn cà phê nhân xô. Bây giờ, giá cà phê lại ở mức cao nên không riêng gì gia đình tôi mà mọi người trồng cà phê trong vùng đều hết sức phấn khởi. Trong nhiều năm trở lại đây, có lẽ năm nay người trồng cà phê mới được ăn một cái Tết vui nhất và trọn vẹn nhất”.

Trên dọc đường vào các xã Ea Tul, Ea Tar, Ea Kuêh, Cư Dliê M’nông của huyện Cư M’gar, mặc dù đã gần kề Tết nhưng năm nay do thời tiết mưa kéo dài, nhiều gia đình vẫn chưa phơi cà phê xong. Đang cùng vợ tranh thủ phơi cà phê để kịp bán cho được giá, anh Y Srai ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar phấn khởi cho biết: “Gia đình mình trồng 1,5 ha cà phê, năm nay mình đầu tư chăm sóc và bón phân đều nên thu được 4,5 tấn cà phê nhân. Năm ngoái cũng vào thời điểm này, giá cà phê chỉ đạt 35.000 đồng/kg, còn năm nay đang ở mức 46.000 đồng/kg nên mình rất phấn khởi. Vợ chồng mình tranh thủ những ngày nắng ráo này phơi xong bán được với giá cao để mua sắm lo cho gia đình đón Tết và mua phân bón, xăng dầu dự trữ để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới”.

Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chỉ cho biết: Cư M’gar là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đác Lắc với gần 38.000 ha, trong đó khoảng 80% đang trong thời kỳ kinh doanh. Năng suất bình quân ước đạt 25,5 - 30 tạ/ha. Phần lớn nông dân trên địa bàn huyện chủ yếu trồng cà phê, trong những ngày giáp Tết này, giá cà phê lại ở mức cao nên nhiều gia đình sau khi thu hoạch xong bán ngay với giá cao nên không khí chuẩn bị Tết ở Cư M’gar hết sức rộn ràng từ trung tâm huyện đến các xã, buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vòng sang huyện Krông Năng, những ngày này, chủ đề mà nhiều nông dân quan tâm là việc giá cà phê đang ở mức cao. Anh Trần Công Quảng ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng chia sẻ: “Gia đình tôi làm được 1,5 ha cà phê, trong mùa khô hạn vừa qua vườn cà phê bị ảnh hưởng nặng, tôi rất lo lắng nên ngay từ đầu mùa mưa đã chủ động bón phân, chăm sóc, tỉa cành… nên năng suất năm nay có giảm so với mọi năm nhưng giảm không đáng kể. Kết thúc vụ thu hoạch năm nay, tôi thu được bốn tấn cà phê nhân, với giá cà phê đang ở mức cao như hiện nay gia đình tôi lãi khoảng 70 triệu đồng, đủ để đầu tư cho vụ sản xuất mới và mua sắm Tết cho gia đình”.

Theo lời anh Quảng, nhờ giá cà phê đang ở mức cao nên không chỉ gia đình anh mà người trồng cà phê trong vùng đều có lãi. Vì vậy, trong dịp Tết này, nhiều gia đình bán cà phê thu về vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nên nhiều gia đình mua sắm xe máy tay ga mới, thậm chí mua cả ô tô để gia đình đi chơi, du lịch trong những ngày Tết…

Nhờ bán cà phê với giá cao nên hiện nay bà Hồ Thị Lương ở xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin đã sắm sửa Tết đầy đủ cho gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lương hồ hởi nói: “Mấy năm trước, cứ vào dịp Tết là giá cà phê giảm mạnh như năm vừa rồi cũng chỉ vào khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg thôi, nên sau khi trừ các chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, công chăm sóc, thu hoạch… thì không có lãi. Còn năm nay, do ảnh hưởng của hạn hán, năng suất vườn cây không cao bằng các năm trước nhưng giá tăng lên 46.000 đồng/kg nên mọi người trồng cà phê đều rất phấn khởi. Nhờ bán cà phê với giá cao nên gia đình cũng sắm sửa Tết đầy đủ, tươm tất, không khí chuẩn bị Tết ở vùng quê này rộn ràng lắm! Mới ngày 20 tháng Chạp mà nhiều gia đình đã tậu về nào là hoa mai, hoa lan… cả triệu đồng trở lên.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Y Tong Bkrông cho biết: Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá cà phê liên tục tăng khiến người trồng cà phê hết sức phấn khởi. Mặc dù đầu năm 2016, tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt nhưng không ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn cây. Hiện tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện hơn 12.700 ha, năng suất ước vào khoảng 2,2-2,5 tấn/ha. Với giá cà phê như hiện nay 46.000 đồng/kg, nhiều người xây dựng được nhà cửa, mua sắm xe cộ để đi chơi Tết…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết: Kết thúc niên vụ cà phê 2016-2017, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đác Lắc còn khoảng 199.801 ha, giảm 199 ha so với niên vụ 2015-2016. Trong niên vụ này, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua diễn ra vào đầu năm 2016 tại Tây Nguyên đã khiến cho nguồn nước trong khu vực cạn kiệt, dẫn đến việc hàng nghìn ha cà phê phải chịu cảnh thiếu nước tưới, nhiều diện tích bị cháy khô. Trong đó, tỉnh Đác Lắc là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 56.000 ha bị khô hạn, giảm năng suất và gần 4.500 ha mất trắng. Tuy nhiên, bước vào thời điểm cuối vụ, giá cà phê trên thị trường liên tục tăng và hiện đang ở mức cao trên dưới 46.000 đồng/kg khiến người nông dân hết sức phấn khởi. Với mức giá này người trồng cà phê hoàn toàn có lãi. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của cây cà phê trên địa bàn, trong những năm tới, tỉnh Đác Lắc không mở rộng thêm diện tích cà phê mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, để người trồng cà phê thực sự sống được và làm giàu từ loại cây trồng chủ lực này.

Nguoi trong ca phe o Tay Nguyen ron rang don Tet - Anh 1

Nhờ trồng cà phê mà nhiều hộ nông dân ở Đác Lắc xây dựng được nhà cửa khang trang.

Nguoi trong ca phe o Tay Nguyen ron rang don Tet - Anh 2

Bà con dân tộc thiểu số ở Đác Lắc vui mừng vì năm nay giá cà phê ở mức cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây.

Nguồn: Báo nhân dân ngày 18/01/2017.